Tính chất vật lý của thân tre bao gồm dung trọng, hàm lượng nước trong thân, độ co rút và khả năng chịu lự của thân.
Về dung lượng của thân tre nói chung khoảng 0,6-0,8, chúng khác nhau theo vi trí, tuổi tre, điều kiện lập địa và loài tre. Dung trọng thân tre tăng theo tuổi cây. Cùng một cây, dung trọng phần ngọn lớn hơn gốc, phần mắt lớn hơn đốt. Đó là do phân bố bó sợi không đều; cùng một mặt cắt ngang, dung trọng phân tinh lớn hơn phần cật. Những mùa ấm và ẩm, điều kiện lập địa tốt, thân tre lớn, mô thưa, dung trọng nhỏ, ngược lại mùa khô lạnh, điều kiện lập địa kém, thân nhỏ, mô dày, dung trọng lớn. Loài cây khác nhau dung trọng cũng khác nhau: Trúc sào 0,81; Trúc cần câu 0,65; Hóp 0,75; Diễn 0,65; Lục trúc 0,67; Trúc vuông 0,51; Tre giàng 0,73; Sặt 0,64.
Về hàm lượng nước cũng khác nhau theo tuổi, bộ phận thân và mùa. Bình quân tỷ lệ nước theo lượng gỗ tươi là trên 70%, bình quân 80-100%. Tuổi tre càng lớn hàm lượng nước càng thấp, phân tinh tre hàm lượng nước thấp hơn thịt và cật tre; mùa hè cao hơn mùa thu và xuân đông thấp nhất.
Vệ độ co rút của thân tre nhỏ hơn gỗ, nhưng hình thức co rút có đặc thù. Khi mất nước thân nhỏ đi (giảm đường kính) mà không ngắn lại. Theo chiều ngang, độ co rút cũng khác nhau, phần tinh tre lớn nhất, sau đó là thịt tre rồi đến cật tre. Do đó khi khô thân tre dễ bị vỡ. Tỷ lệ co rút giảm dần theo tuổi tre.
Khả năng chịu lực của tre lớn hơn gỗ gấp 2 lần, cường độ chịu nén cao hơn gỗ 10%, cường độ chịu kéo theo trọng lượng trên đơn vị lớn hơn gỗ 3-4 lần.
Nói chung, cường độ chịu lực của thân tre liên quan với hàm lượng nước, vị trí thân, tuổi cây và điều kiện sinh trưởng. Hàm lượng nước càng nhỏ ứng lực càng lớn, nhưng khi khô tuyệt đối thân tre biến giòn, cường độ ứng lực lại giảm xuống. Cùng trên một thân, cường độ phía trên lớn hơn phía dưới, phần tinh tre lớn hơn phần cật. Bởi vì những phần đó có bó sợi phân bố dày hơn, dụng trọng lớn hơn. Phần mắt tre có cường độ chịu kéo thấp hơn đốt tre, bởi vì phần mắt tre bó sợi phân bố uốn không đều, khi kéo dễ bị vỡ, nhưng lực chịu uốn và chịu nén những thân tre có mắt lại tốt hơn thân không mắt. Ngoài ra cường độ lực thân tre tăng lên theo tuổi cho đến tuổi có sức sống khỏe, nhưng đến tuổi già chúng dần dần giảm xuống; thân tre mọc trên điều kiện lập địa tốt cường độ lực thấp và ngược lại.
Nhìn toàn bộ thân tre, cường độ chịu nén của cây nhỏ lớn hơn cây to, nhưng mặt ngang càng lớn khả năng chịu tổng áp lực lại lớn hơn cây nhỏ. Cường độ chịu nén của cây có mắt cao hơn cây không có mắt 5-6%, cường độ chịu uốn cao hơn 9-20%.
(Nguồn: Hỏi đáp về kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến tre: Bản dịch từ tiếng Trung Quốc/ Trần Văn Mão, Trần Ngọc Hải, Vũ Văn Dũng, Vũ Văn Cần: biên dịch và hiệu đính.-H.: Nông nghiệp, 2006.- 213 tr.: ảnh minh họa.-: Đăng ký cá biệt: VB20082443, VT20094106)